028 6679 0552

Thông tin sức khoẻ

Phục hồi chức năng trẻ bại não

21/01/2021 TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ TRỢ GIÚP TRẺ KHUYẾT TẬT 0 Nhận xét
Phục hồi chức năng trẻ bại não

1. Định nghĩa bại não

Bại não là một trạng thái rối loạn thần kinh trung ương không tiến triển, gây nên do tổn thương não bởi nhiều nguyên nhân ảnh hưởng vào giai đoạn trước, trong hoặc sau khi sinh với những hậu quả đa dạng bao gồm những bất thường về vận động, giác quan, tâm thần và hành vi.

Do rối loạn chức năng đa dạng nên công tác phục hồi chức năng cho trẻ bại não phải toàn diện, bao gồm các mặt thể chất, tâm lý và giáo dục.

2. Nguyên nhân bại não

Nguyên nhân gây tổn thương não ở trẻ em gồm nhiều giai đoạn: trước, trong và sau khi sinh.

2.1. Nguyên nhân trước khi sinh

  • Nhiễm trùng khi mẹ có thai (cảm cúm nặng, nhiễm virus,...)
  • Bất đồng nhóm máu (Rh)
  • Mẹ bị bệnh đái đường, nhiễm độc thai nghén
  • Di truyền
  • Vô căn (30% trẻ không tìm thấy nguyên nhân)

2.2. Nguyên nhân khi sinh

  • Trẻ bị ngạt, thiếu oxy
  • Đẻ khó, phải can thiệp bằng phẫu thuật sản hoa, thủ thuật (giác hút, foocxep, mổ đẻ).
  • Sang chấn sản khoa
  • Đẻ con thiếu tháng, trẻ suy yếu

2.3. Nguyên nhân sau khi sinh

  • Trẻ bị sốt cao, co giật
  • Nhiễm trùng (viêm não, viêm màng não)
  • Chấn thương đầu, não
  • Thiếu oxy do ngập nước, ngộ độc hơi
  • Xuất huyết não
  • Khối u não

3. Các dấu hiệu sớm của bại não

Phát hiện sớm trẻ bại não thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Ngay khi đẻ ra, trẻ bị mềm nhẽo, không vận động
  • Trẻ không khóc ngay, bị tím
  • Phát triển chậm hơn trẻ khác
  • Không biết cầm nắm hai tay hoặc chỉ một tay
  • Trẻ có thể mút, bú khó khăn, hay sặc sữa
  • Cha mẹ thường thấy khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì cứng đờ
  • Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được
  • Nghe khó, nhìn khó
  • Có thể có động kinh
  • Thay đổi tính cách bất thường
  • Các phản xạ bất thường
  • Trí tuệ chậm phát triển
  • Vận động khó khăn

4. Phương pháp phục hồi chức năng trẻ bại não

4.1. Thể co cứng

  • Vận động thụ động, kéo giãn, tư thế và dụng cụ chỉnh hình như nẹp, máng để ngăn ngừa co rút.
  • Tạo thư giãn để giảm co cứng bằng cử động thụ động nhịp nhàng chậm hoặc bằng các kỹ thuật ức chế Bobath. Sau đó tập cử động điều hợp ở từng khớp và nhiều khớp khi đã có tiến bộ.
  • Tập luyện các chức năng của đời sống hàng ngày theo trình tự phát triển bình thường: lật, trườn, bò, quỳ, đứng và đi. Tuỳ từng trường hợp của đứa trẻ được tập đi nạng hoặc sử dụng xe lăn. Đối với chi trên, tập các cử động đơn giản như nắm và buông trước khi tập các động tác phức tạp dùng vào việc ăn uống tắm rửa, thay quần áo.
  • Hoạt động trị liệu dưới hình thức trò chơi được áp dụng để cải thiện chức năng của chi trên cũng như chi dưới.

4.2.Thể múa vờn

  • Muốn tạo được cử động có điều hợp, bước đầu cần hạn chế cử động ở các chi và chỉ tay hay chân cử động ở một khớp.
  • Ví dụ: ở chi trên bất động ở khớp vai và chỉ cho đứa trẻ làm cử động gập duỗi khuỷu. Khi đứa trẻ đã gập duỗi khuỷu có điều hợp mới cho làm cử động vai. Ở chi dưới, dùng nẹp chân dài để hạn chế cử động ở gối và tập đi với nạng mà đầu được gắn thêm một miếng chì cho vững chắc.

4.3. Thể thất điều – mất điều hợp

  • Nguyên tắc tập luyện là kiên nhẫn lặp đi lặp lại nhiều lần những cử động thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày cho đến khi đạt được sự điều hợp.
  • Vai trò của hoạt động trị liệu là rất quan trọng đối với dạng bệnh này.

Các bài viết của Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật có tính chất tham khảo, phụ huynh có nhu cầu thăm khám trẻ vui lòng gọi số hotline: (028) 6679 0552 hoặc đến trực tiếp địa chỉ 38 Tú Xương, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

TÀI TRỢ
popup

Số lượng:

Tổng tiền: